Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật vừa được thông qua

27 lượt xem

Sáng 11/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 luật đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 9 thông qua.

ndt1835 17522031743481775813314

Các luật được công bố gồm:

1/ Luật Nhà giáo

2/ Luật Việc làm

3/ Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt

4/ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

5/ Luật Hóa chất

6/ Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

7/ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp

8/ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều cả Luật Sử dụng năng lượng tiếu kiệm và hiệu quả

9/ Luật Ngân sách Nhà nước

Lương nhà giáo được xếp cao nhất

Giới thiệu về Luật Nhà giáo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, ngày 16/6/2025, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Nhà giáo với 94,35% đại biểu có mặt tán thành. Đây là đạo luật chuyên ngành đầu tiên quy định đầy đủ vị trí pháp lý, quyền, nghĩa vụ và chính sách dành cho đội ngũ hơn một triệu nhà giáo trên cả nước.

Luật gồm 9 chương, 42 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2026, tập trung vào 5 chính sách lớn: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh; sử dụng, đãi ngộ và điều kiện làm việc; đào tạo, bồi dưỡng và tôn vinh; vai trò quản lý nhà nước.

Điểm mới nổi bật là lần đầu tiên, nhà giáo ngoài công lập được thừa nhận là một người hành nghề đặc thù, có chuẩn nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ tương đồng, không chỉ là người lao động theo hợp đồng như trước. Luật khẳng định vai trò then chốt của nhà giáo, đồng thời mở rộng quyền tham gia nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp.

Luật quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Bổ sung các khoản hỗ trợ vùng khó khăn, thuê nhà, đào tạo, sức khỏe định kỳ, thu hút nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó, Luật hợp nhất hai hệ thống tiêu chuẩn (chức danh nghề nghiệp và chuẩn nghề nghiệp) thành một hệ thống chức danh gắn với chuẩn năng lực nghề nghiệp, áp dụng thống nhất cho cả công lập và ngoài công lập.

Luật Hóa chất 2025: Nhiều điểm mới, đồng bộ và thực tiễn hơn

Giới thiệu về Luật Hóa chất (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, ngày 14/6/2025, Quốc hội thông qua Luật với 99,32% đại biểu có mặt tán thành. Luật gồm 7 chương, 48 điều, có hiệu lực từ 1/1/2026, sửa đổi toàn diện Luật Hóa chất năm 2007.

Luật có các nội dung mới liên quan đến xây dựng chính sách phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại; quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hóa chất…

Luật Hóa chất được xây dựng theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền; đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính; áp dụng tối đa công nghệ thông tin nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi.

Cùng với đó, Luật Hóa chất đã bổ sung hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp phù hợp để không tạo khoảng trống trong quản lý và giảm thiểu khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Luật Hóa chất là bước cụ thể hóa quan trọng, kịp thời thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất; đồng thời góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn xã hội, bảo vệ con người, cơ sở vật chất, tài sản, môi trường.

Luật Việc làm năm 2025: Tăng thực chất, mở rộng đối tượng, thúc đẩy thị trường lao động

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương cho biết, ngày 16/6/2025, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Việc làm số 74/2025/QH15, gồm 8 chương, 55 điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.

Luật đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về hoàn thiện thể chế, tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn”; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.

Luật Việc làm năm 2025 quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm, đăng ký lao động, hệ thống thông tin thị trường lao động, phát triển kỹ năng nghề, dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý nhà nước về việc làm và áp dụng đối với tất cả người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc (bao gồm cả người lao động có quan hệ lao động và người lao động không có quan hệ lao động, người thất nghiệp).

Luật Việc làm năm 2025 đã kế thừa các quy định đã được thực hiện có hiệu quả từ Luật Việc làm năm 2013, sửa đổi các quy định không còn phù hợp, trọng tâm là bổ sung các quy định nhằm thể chế hóa 4 Nghị quyết đột phá – “bộ tứ trụ cột” đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới..

Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt 2025: Mở rộng đối tượng, điều chỉnh mạnh thuế suất

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt gồm 4 chương, 11 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026. So với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2025 có nhiều điểm mới.

Về đối tượng chịu thuế, ngoài những hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt kế thừa tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã bổ sung mặt hàng nước giải khát theo tiêu chuẩn quốc gia có hàm lượng đường trên 5g/100 ml vào đối tượng chịu thuế; quy định điều hòa nhiệt độ công suất trên 24.000 đến 90.000 BTU (thay cho điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống) thuộc đối tượng chịu thuế; sửa đổi, bổ sung một số mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá, rượu, bia, ô tô, tàu bay… để đồng bộ với pháp luật chuyên ngành.

Ngoài những nội dung về đối tượng không chịu thuế kế thừa tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã sửa đổi, bổ sung đối tượng không chịu thuế đối với hàng hóa do tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công, thuê gia công trực tiếp xuất khẩu ra nước ngoài hoặc bán, ủy thác cho tổ chức, cá nhân kinh doanh khác để xuất khẩu ra nước ngoài; sửa đổi, bổ sung quy định đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với: “Máy bay, trực thăng, tàu lượn, du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, khách du lịch và máy bay, trực thang, tàu lượn sử dụng cho các mục đích an ninh, quốc phòng, cứu thương, cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy, huấn luyện đào tạo phi công, quay phim, chụp ảnh, đo đạc bản đồ, sản xuất nông nghiệp”; bổ sung đối tượng “xe ô tô chở người, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ không đăng ký lưu hành và chỉ chạy trong phạm vi khu vui chơi, giải trí, thể thao, di tích lịch sử, bệnh viện, trường học và xe ô tô chuyên dùng khác”….

Luật Quảng cáo sửa đổi 2025: Siết quảng cáo trên mạng, minh bạch hóa nội dung

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, ngày 16/6/2025, Quốc hội đã thông qua Luật số 75/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.

Luật được sửa đổi theo hướng tăng minh bạch, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ với pháp luật liên quan và phù hợp thực tiễn phát triển quảng cáo hiện nay, đặc biệt là quảng cáo trên mạng và xuyên biên giới.

Luật sửa đổi, bổ sung 23 điều, thêm 1 điều mới (Điều 15a) quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của người chuyên tải sản phẩm quảng cáo – đối tượng mới phát sinh trong thực tiễn. Đồng thời, bổ sung yêu cầu về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong nội dung quảng cáo, siết chặt điều kiện với sản phẩm quảng cáo đặc thù (thuốc, thực phẩm, thiết bị y tế…).

Đáng chú ý, Luật có chương riêng về quảng cáo trên mạng (Điều 23), yêu cầu nhận diện rõ nội dung quảng cáo, cho phép người dùng tắt quảng cáo không mong muốn, trách nhiệm của nhà cung cấp nền tảng trong kiểm soát, gỡ vi phạm và ngăn chặn quảng cáo sai lệch.

Ngoài ra, luật điều chỉnh giới hạn thời lượng quảng cáo trên báo in, truyền hình và quy định rõ trách nhiệm quản lý quảng cáo ngoài trời, bao gồm cả màn hình điện tử.

Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Tăng quyền tự chủ, giảm thủ tục

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 01/8/2025.

Luật gồm 8 chương, 59 điều, kế thừa các quy định còn phù hợp và sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, kiểm soát quyền lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh, không chỉ giới hạn ở doanh nghiệp 100% vốn nhà nước mà áp dụng với cả doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn, tổ chức tín dụng chính sách, tổ chức chính trị – xã hội có đầu tư vốn vào doanh nghiệp.

Điểm mới nổi bật là tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp, phân cấp mạnh cho Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty trong phê duyệt chiến lược, kế hoạch kinh doanh, quyết định đầu tư và phân phối thu nhập. Đồng thời, nâng mức trích tối đa vào Quỹ đầu tư phát triển từ 30% lên 50% lợi nhuận sau thuế.

Luật cắt giảm 30% thủ tục so với luật cũ, tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước với đại diện chủ sở hữu. Ngoài ra, bổ sung các quy định cụ thể về cơ cấu lại vốn, giám sát đầu tư, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế.

Luật Thuế TNDN 2025: Bổ sung diện chịu thuế, tăng ưu đãi có mục tiêu

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp gồm 4 chương, 20 điều, có hiệu lực từ 01/10/2025 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2025.

So với Luật hiện hành, Luật mới có nhiều điểm sửa đổi toàn diện. Về người nộp thuế, bổ sung đối tượng là doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ qua nền tảng số tại Việt Nam. Đồng thời, làm rõ các khoản thu nhập chịu thuế, miễn thuế, bao gồm thu nhập từ chuyển nhượng tín chỉ các-bon, trái phiếu xanh, trợ cấp đầu tư, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Về thuế suất, bổ sung hai mức thuế suất 15% và 17% áp dụng cho doanh nghiệp có doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng hoặc từ trên 3 đến 50 tỷ đồng.

Luật quy định rõ khung ưu đãi thuế theo ngành, địa bàn và hoạt động đặc thù, đồng thời lược bỏ các ưu đãi không còn phù hợp. Bổ sung ưu đãi mới với các ngành công nghệ số trọng điểm, chip bán dẫn, ô tô, an toàn thông tin, trung tâm dữ liệu, sản phẩm công nghiệp nền tảng…

Luật cũng tăng mức trích Quỹ phát triển khoa học công nghệ từ 10% lên 20%, bổ sung quy định loại trừ ưu đãi đối với một số ngành kinh doanh đặc biệt.

Luật sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Tăng ưu đãi, giảm thủ tục

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.

Luật sửa đổi tập trung vào 4 nhóm chính sách lớn: nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; phát triển dịch vụ tư vấn, kiểm toán năng lượng; ưu đãi và hỗ trợ tài chính; chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng.

Luật bổ sung 19 điều, sửa đổi 1 điều trong Luật năm 2010. Trong đó, đáng chú ý là việc bổ sung đối tượng dán nhãn năng lượng là vật liệu xây dựng; hoàn thiện quy định về mô hình tổ chức dịch vụ năng lượng; thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm tạo cơ chế tài chính linh hoạt hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân thực hiện các dự án liên quan.

Về phân cấp, Luật trao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh công bố danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; phân quyền cho Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng ban hành danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng.

Luật cũng cắt giảm 50% thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp chứng nhận dán nhãn và kiểm toán năng lượng, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và khuyến khích đầu tư tiết kiệm năng lượng.

Luật Ngân sách Nhà nước 2025: Tăng phân cấp, giảm thủ tục, nâng cao trách nhiệm

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, Luật có 7 chương, 79 điều, có hiệu lực từ năm ngân sách 2026.

Luật được sửa đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước giai đoạn 2026–2030, thúc đẩy phân cấp, tăng tính chủ động cho địa phương, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương.

Luật bổ sung nhiều quy định mới: nâng mức dự phòng tài chính lên 5%, quy định rõ phạm vi chi từ dự phòng quốc gia; cho phép tạm ứng quỹ dự trữ tài chính để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án quan trọng, với thời hạn hoàn trả cụ thể.

Về phân cấp, Luật quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ, HĐND, UBND các cấp; cho phép HĐND cấp tỉnh quyết định một số khoản thu phí, lệ phí ngoài danh mục; bổ sung thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chi tiết và sử dụng dự phòng ngân sách trung ương.

Luật cũng quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí phân chia nguồn thu và nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; cho phép chuyển nguồn một số khoản chi sang năm sau và tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong lập, phân bổ, quyết toán ngân sách.

Đức Tuân.bcp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

có thể bạn quan tâm

Giỗ tổ hùng vương 2025 và 18 vị vua hùng

Dân tộc Việt Nam tự hào với nền văn hiến lâu đời và bề dày lịch sử đáng ngưỡng mộ. Thời đại các Vua Hùng dựng nước là một phần ...

Thông tư 16/2025/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 16/2025/TT-BTC ngày 24/4/2025 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin ...

Đi tìm cơ chế “Xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc”

Trong bối cảnh kinh phí đầu tư còn hạn hẹp và sự phát triển của các lĩnh vực nghiên cứu, từ cơ bản đến ứng dụng, từ khoa học tự ...

Nghị quyết 74/NQ-CP: Chính Phủ Yêu Cầu Hoàn Thiện Phương Án Sắp Xếp Cơ Quan Thuế, Bảo Hiểm Xã Hội Trước 10/4/2025

Nội dung này được đề cập tại Nghị quyết 74/NQ-CP ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính ...

Doanh nghiệp TP.HCM cần lưu ý về quy định mới về hóa đơn điện tử từ 01/6/2025: Những thay đổi quan trọng và hướng dẫn từ Chi cục Thuế Khu vực II

Doanh nghiệp TP.HCM cần lưu ý về quy định mới về hóa đơn điện tử từ 01/6/2025: Những thay đổi quan trọng và hướng dẫn từ Chi cục Thuế Khu ...